(VnMedia)
-
Năm qua, sự vắng mặt bất thường của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hay sự thiếu vắng của Nữ Tổng thống Argentina trên chính trường nước này suốt 40 ngày đã trở thành chủ đề "nóng" của truyền thông quốc tế.
Nguyên thủ quốc gia của các nước trên thế giới luôn nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận thế giới, bởi vậy nhất cử nhất động của họ đều "vào tầm ngắm" của giới truyền thông. Việc họ xuất hiện hay họ vắng mặt tại các sự kiện lớn của đất nước họ hay các sự kiện lớn trên thế giới luôn là sự quan tâm số 1 của báo giới.
Sự vắng mặt bí hiểm của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong suốt 40 ngày, đặc biệt là tại các sự kiện quan trọng của Triều Tiên đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới hồi tháng 9 - 10/2014. Sự biến mất của ông Kim Jong-un trong suốt nhiều ngày, đặc biệt là sự vắng mặt của ông ở những sự kiện quan trọng hàng đầu đất nước đã làm dấy lên đủ loại tin đồn về sức khỏe của ông này cũng như việc ông bị đảo chính, lật đổ.
Kim Jong- un trong lần xuất hiện trở lại
Kim Jong-un đã không xuất hiện trước công chúng sau khi cùng phu nhân Ri Sol-ju tham dự một buổi hòa nhạc ở thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 3/9. Kể từ lúc đó, truyền thông Triều Tiên cũng không đăng tải thông tin về các hoạt động của nhà lãnh đạo 31 tuổi như thường thấy. Ông không tham dự kỳ họp quốc hội Triều Tiên cuối tháng 9 và vắng mặt tại lễ kỷ niệm 17 năm dịp cố lãnh đạo Kim Jong-il được bầu làm Tổng bí thư WPK ngày 7/10.
Cơ quan truyền thông nhà nước đưa ra lời giải thích cho sự biến mất này một cách đơn giản: nhà lãnh đạo 31 tuổi thấy "khó ở”.
Ngay sau đó, truyền thông thế giới liên tục đưa ra những suy đoán về sức khỏe của ông. Tờ báo phổ biến hàng nhất ở Hàn Quốc, Chosun Ilbo, cho rằng nhà lãnh đạo trẻ đang bị bệnh gout. Một đoạn phim do truyền hình nhà nước Triều Tiên phát tháng 7 cho thấy ông Kim đi khập khiễng.
Yonhap dẫn lời một nguồn thạo tin cũng cho biết ông Kim thật sự bị bệnh gout và gặp khó khăn khi đi lại "trên cả hai chân". Ngoài ra, Yonhap còn cho rằng, ông Kim có nguy cơ bị cả bệnh tiểu đường và chứng huyết áp cao. Hãng thông tấn Hàn Quốc nói trên cũng dẫn thông tin từ một nguồn khác cho biết các bác sĩ Triều Tiên đã bí mật bay tới châu Âu để tìm cách chữa trị bệnh cho ông Kim.
Trong khi đó, một số người theo dõi tình hình Triều Tiên đồn đoán ông Kim có thể đã bị gạt ra rìa trong một cuộc tranh giành quyền lực. Kịch bản này càng được củng cố với chuyến thăm bất ngờ đến Hàn Quốc của phái đoàn Triều Tiên do Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hwang Pyong-so, người được coi là nhân vật số 2 sau ông Kim, dẫn đầu. Ngoài ra, cũng có lời đồn cho rằng em gái của ông Kim, bà Kim Yo-jong đang nắm quyền điều hành đất nước do sức khỏe của anh trai bị sa sút nghiêm trọng. Trong thời gian ông vắng mặt, người em gái Kim Yo-jong chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định quan trọng của chính phủ.
Tuy nhiên, ngày 14/10, sau 40 ngày “mất tích”, Chủ tịch trẻ của Triều Tiên đã bất ngờ xuất hiện trước công chúng với những chỉ đạo trực tiếp ngay tại hiện trường ở khu vực Quận Dân cư Các nhà Khoa học Wisong vừa được xây dựng. Sự tái xuất này của ông đã gạt bỏ đi mọi đồn đoán về việc ông bị mất quyền lực. Nhưng cho đến nay sự vắng mặt của ông vẫn là một bí ẩn, bởi chưa có một nguồn tin nào chính thức tuyên bố nguyên nhân “bặt vô âm tín” suốt hơn 1 tháng của nhà lãnh đạo trẻ này.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Kim vắng mặt trước công chúng. Vào tháng 6/2012, tức 6 tháng sau khi chính thức cầm quyền, truyền thông nhà nước đã không đưa tin tức hay hình ảnh về ông trong 23 ngày.
Sự "mất tích" bí hiểm của nữ Tổng thống xinh đẹp của Argentina
Cũng liên quan đến sự vắng mặt và con số 40 ngày, nữ Tổng thống xinh đẹp đầy quyền lực của Argentina cũng khiến dư luận thế giới xôn xao vì sự “mất tích” bí ẩn trong suốt 40 ngày của bà.
Vị nữ Tổng thống 60 tuổi đã phải phẫu thuật để loại bỏ một chỗ tụ máu trong não hôm 8/10/2013. Đến ngày 18/11 bà trở lại làm việc.
Nữ Tổng thống Argentina tái xuất sau 40 ngày "biệt tăm"
Nhưng lần cuối cùng bà Fernandez, một người thường xuyên chia sẻ mọi chuyện trên Twitter xuất hiện trước đám đông là từ hôm 10/12/2013, và bà không có chia sẻ nào từ 13/12. Sự im lặng có phần khác thường này càng khiến cho những tin đồn về sức khỏe của bà được dịp lan nhanh. Một số người đối lập thậm chí còn hoài nghi ai là người đang điều hành đất nước.
Các thành viên nội các của bà Fernandez đã liên tục khẳng định quyền lãnh đạo hoàn toàn trong tay bà, nhưng họ cũng như chính vị nữ Tổng thống không giải thích vì sao bà lại vắng bóng lâu đến vậy. Bà "mất tích" đúng thời điểm Argentina đang phải đối mặt với lạm phát ở mức 2 con số, tăng trưởng thấp còn dự trữ ngoại hối giảm.
Sự im lặng này hoàn toàn trái ngược với những năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống của bà Fernandez, khi bà xuất hiện gần như hàng ngày trên truyền hình. Sau đó bà cũng thường xuyên chia sẻ trên Twitter đủ thứ chuyện, từ chuyện chính trị tới những bức ảnh của Giáo hoàng hay những con chó của mình. Đôi khi bà lại hồi tưởng về những cuộc đối thoại thoải mái với người Argentina trên đường, về cậu cháu trai mới sinh hay sự thích thú với một seri phim truyền hình ưa thích.
Tuy nhiên, đến ngày 22/1, sau đúng 40 ngày “bặt vô âm tín”, nữ Tổng thống xinh đẹp đã bất ngờ xuất hiện trước công chúng với một hình ảnh đầy sinh khí. Trong một bài phát biểu được phát sóng khắp cả nước, bà Fernandez đã công bố việc thiết lập một chương trình khuyến khích những người Argentina trẻ, và đang thất nghiệp tới học tập tại các ngôi trường công, với mức hỗ trợ 80 USD/ngày. Sự tái xuất của bà đã thổi một luồng gió mới cho Argentina và cũng gạt bỏ mọi đồn đoán về những tháng ngày “khó khăn” của bà, mặc dù đến nay, nguyên nhân “mất tích” của bà vẫn chưa được hé lộ.
(tổng hợp)