ARGENTINA
Những lần dự World Cup: 1930, 1934, 1952, 1958, 1962, 1966, 1974, 1978, 1982, 1986, 1990, 1994, 1998, 2002, 2006 and 2010
Cầu thủ đáng chú ý: Lionel Messi (Barcelona)
Từng 4 lần vào chung kết World Cup (2 thắng, 2 thua), đội tuyển Argentina là đội tuyển gây nhiều tranh cãi nhất thế giới. Hồi 1978 khi ra quân ở sân nhà, đội banh này đã từng phải đương đầu với những tranh cãi liên quan đến đồn thổi cho rằng chính phủ mua chuộc những quốc gia khác để Argentina dễ dàng đi vào vòng trong; đến năm 1986 khi đội cầm chiếc cúp vô dịch lần thứ nhì, nhiều bài báo đã nêu câu hỏi có phải danh thủ Diego Maradona dùng thuốc trợ lực (hay chơi ma túy) không mà sao đá xuất thần như thế. Những thắc mắc này rồi sẽ bay đi, điều quan trọng nhất để lại trên sân cỏ: từ 1990 đến giờ, Argentina lần nào cũng được xem là đội tuyển đáng ngại nhưng rất tiếc chưa bao giờ qua được tứ kết.
Lần này thì sao? Đó là câu hỏi quá lớn chưa ai có thể trả lời, chỉ biết chặng đường lấy vé sang Brazil dự Giải 2014 cũng chẳng có gì xuất sắc lắm. Tổng cộng có 9 quốc gia tranh chỗ, mỗi nước phải đá 16 trận và thành tích của Argentina được để vào hạng trên trung bình với 9 thắng, 5 thua và 2 huề, cho dù cầu thủ của đội tuyển đá tung lưới đối phương 35 lần, thủ môn của đội chỉ để 15 banh lọt lưới.
Dù với thành tích chưa thể được xem là xuất sắc nhưng Argentina vẫn nằm trong danh sách những đội có nhiều triển vọng sẽ đoạt cúp vô địch World Cup năm nay. Đá ngay tại lục địa nhà, khí hậu quen thuộc và dược khán giả ủng hộ là những yếu tố có thể giúp đưa đội banh Nam Mỹ này tiến xa, biết đâu chừng sẽ gặp chủ nhà Brazil trong trận chung kết. Yếu tố nổi bật nhất là không đội tuyển nào có được một dàn công như Argentina, với 5 danh tướng gồm Carlos Tevez. Messi, Sergio Aguero, Gonzalo Higuain, Ezequiel Lavezzi và Angel di Maria, cộng với dàn trung ứng và dàn hậu vệ ngày một vững chắc hơn. Những yếu tố đó có thể đã đủ để Argentina vào tới bán kết.
BOSNIA AND HERZEGOVINA
Những lần dự World Cup: lần đầu tiên
Cầu thủ đáng chú ý: Edin Dzeko (Manchester United)
Dành độc lập từ Nam Tư cũ hồi 1992 và sau đó phải đương dầu với cuộc nội chiến đẫm máu, hầu như không mấy nghĩ sẽ có ngày quốc gia vừa nhỏ vừa điêu tàn này lại góp mặt với World Cup. Điều đó cũng dễ hiểu: mãi đến năm 1998 Bosnia and Herzegovina mới thành lập được đội tuyển để dự tranh vòng loại với các quốc gia Âu Châu, đến năm 2010 mới vào được vòng chung kết, hy vọng cầm vé đi Nam Phi. Rất tiếc năm đó (và cả năm 2012), đội banh đang trên đà tiến rất nhanh này đều bị Portugal cản đường, mọi hy vọng có mặt ở Giải Thế Giới và EU 2012 đều tiêu tan.
Thất bại nhưng không nản chí là điều các cầu thủ bảo với nhau. Dựa vào những kinh nghiệm thu gặt được ở những cuộc tranh tài trước đó, Bosnia and Herzegovina đứng đầu bảng G của Âu Châu với thành tích 8 thắng, 1 thua và 1 huề, 18 lần tung lưới đối phương. Đội tuyển Hy Lạp cũng có cùng thành tích tương tự nhưng phải chấp nhận đứng thứ nhì trong bảng vì thua tỷ lệ bàn thắng bại. Những chiến thắng lẫy lừng này giúp đưa Bosnia and Herzegovina tiến về Brazil, trở thành quốc gia mới nhất góp mặt với làng banh da thế giới.
Dù có vé đi Brazil phó hội, dù được ca ngợi là đội banh tiến rất nhanh, dù được xem là đã dùng trái banh để tạo dựng đoàn kết dất nước, nhưng điều đó không có nghĩa là Bosnia and Herzegovina sẽ thành công ở cuộc thi đẳng cấp thế giới năm nay, kể cả chuyện đội tuyển sẽ được mọi người ủng hộ có những cầu thủ tài ba đang ở thời kỳ sung sức nhất, với Edin Dzeko và Vedad Ibisevic ở hàng tiền đạo, với Miralem Pjanic và Senad Lulic ở hàng tiếp ứng, cộng thêm Asmir Begovic giữ khung thành. Dự đoán của nhiều người: Bosnia and Herzegovina thành công vượt bực nếu vượt được vòng bảng để tiếp tục tranh tài ở vòng 16.
IRAN
Những năm dự World Cup: 1978, 1998 và 2006
Cầu thủ đáng chú ý: Ashkan Dejagah (Fulham)
Nhắc đến Team Melli (có nghĩa là Đội Tuyển Bóng Tròn Quốc Gia Iran) là phải nhắc đến thời vàng son của đội banh đại diện xứ thần thoại Ba Tư ở những năm thập niên 1970 khi họ liên tục 3 lần chiếm Cúp Vô Địch Châu Á, khởi đầu vào năm 1968 và kết thúc hồi 1976. Những thành công vượt bực này dẫn Iran đến với sân cỏ thế giới 1978, trước khi bị gián đoạn vì lý do chính trị lẫn chiến tranh. Mãi đến 1998 đoàn tuyển thủ Iran mới xuất hiện trở lại ở World Cup và sau đó là lần thứ ba ở Dức vào năm 2006. Tất cả những lần ra sân tranh tài đều không đem lại kết quả như mong chờ: bị loại ngay từ vòng bảng.
Năm nay, tình hình hy vọng đổi khác. Iran là nước Á Châu đầu tiên lãnh vé đi Brazil sau khi thắng Nam Hàn với tỷ số 1-0 ở sân Seoul để đứng đầu bảng. Đầu tháng Tư vừa qua, bảng xếp hạng các đội tuyển quốc gia do FIFA đưa ra cho thấy Iran được chọn là đội banh tài ba nhất của Á Châu, đứng thứ 37 trong bảng xếp hạng làng banh da hoàn vũ. Những con số đó khiến người dân Iran tràn ra đường reo hò chẳng khác gì ngày đội banh của họ lấy được chiếc vế dự World Cup 2014.
Vui thì quả có vui, mừng thì quả có mừng, nhưng vẫn không giấu được nét lo âu thể hiện trên khuôn mặt của mọi người. Mặc dù đội tuyển được hướng dẫn bởi ông huấn luyện viên Carlos Querioz và ông phụ tá Dan Gaspar người Hoa Kỳ, nhưng hầu hết các nhà bình luận đều nghĩ số phận của Iran cũng chẳng kém gì số phận của 3 lần dự World Cup trước đây. Ông Qurioz sẽ ra sân với nhiều cầu thủ đang đá cho các câu lạc bộ ngoại quốc, nhưng nổi bật vẫn chỉ có anh trung phong Ashkan Dejagah.
Nhiều người còn cho rằng điểm đáng chú ý nhất của đội tuyển Iran không nằm ở tài năng của các cầu thủ, mà chính là thành tích ông huấn luyện viên Carlos Querioz đã đạt được: người duy nhất đưa 3 đội tuyển quốc gia dự World Cup, khởi đầu với Nam Phi (2006), kế đến là Bồ Đào Nha (2010) và lần này với Iran.
NIGERIA
Những lần dự World Cup: 1994, 1998, 2002 và 2010
Cầu thủ đáng chú ý: John Obi Mikel (Chelsea)
Từng có lúc Nigeria được xem là đội banh tiêu biểu cho làng bóng tròn Phi Châu, với những cầu thủ lẫy lừng như Daniel Amokachi, Finidi George, Jay-Jay Okocha, Rashidi Yekini và Stephen Keshi, người đang giữ vai trò điều khiển đội tuyển. Những cầu thủ nổi tiếng này giúp Nigeria góp mặt ở sân thế giới hồi 1994 và 1998, và để lại dấu giầy với thành tích vượt vòng bảng. Nhưng trong 2 lần dự World Cup sau đó (2002 và 2010), Đại Bàng Nigeria không còn cơ hội tung cánh, bị loại ngay sau 3 trận vòng bảng vì những cầu thủ vang bóng thời xa xưa không đủ sức lực để tiếp tục dẫn đội banh đi xa, trong lúc chưa thật sự tìm được một đội quân trẻ trung hơn.
Ngay sau khi được chọn làm huấn luyện viên, ông Stephen Keshi tìm cách chấn chỉnh lại dàn quân nhưng kết quả cũng không được ông hài lòng. Nằm trong toán F của Phi Châu với các đội dưới cơ gồm Kenya, Malawi và Nambia, đội tuyển do ông hướng dẫn không gặp khó khăn nhưng đồng thời cũng không phải là cơ hội để các cậu học trò của ông thi thố tài năng. Mãi đến khi gặp Ethiopia ở vòng cuối cùng để tranh vé đi Brazil, lúc đó ông và khán giả ủng hộ mới thở phào nhẹ nhõm vì những cú sút thần sầu của Emmanuel Emenike ở cả lượt đi lẫn lượt về.
Câu hỏi ngay chính ông Keshi đang đặt ra vẫn là liệu chiến thắng ở Châu Phi có giúp Nigeria vượt qua những khó khăn sẽ gặp phải ở Nam Mỹ hay không? Ông biết thời vàng son đã qua và dựng tương lai không phải là điều dễ làm. Dù vậy, cùng với mọi người, ông vẫn tin sẽ vượt qua được vòng bảng để tạo dấu ấn mới cho một đội banh vẫn còn nhiều điều cần học hỏi.