Nhóm các nhà cổ sinh vật học đa quốc gia đã phát hiện và khai quật được bộ xương hóa thạch với các bộ phận khá hoàn chỉnh của loài khủng long mới thuộc nhóm titanosaurian và đặt tên nó là Dreadnoughtus schrani. Hóa thạch này nằm trong trầm tích ở miền nam Patagonia, Argentina. Nó giúp cung cấp một cái nhìn mới về hình thái và lịch sử tiến hóa của loài khủng long khổng lồ.
Ảnh: Sci-News
“Thằn lằn hộ pháp (titanosaurs) là một nhóm đáng kể của khủng long, gồm các loài khác nhau có trọng lượng tương đương từ một con bò tới một con cá voi. Nhưng loài thằn lằn hộ pháp lớn nhất vẫn còn là một bí ẩn, bởi vì trong hầu hết các trường hợp, hóa thạch của chúng không đầy đủ", theo tiến sĩ Matthew Lamanna, một thành viên trong nhóm và đồng tác giả của một bài báo mô tả Dreadnoughtus schrani trên tạp chí Science Report.
Dreadnoughtus schrani sống trong các khu rừng ôn đới phía nam của Nam Mỹ trong kỷ Phấn trắng muộn, khoảng 77 triệu năm trước. Với chiều dài khoảng 26 m và khối lượng 59,3 tấn, nó là loài vật lớn nhất có khối lượng cơ thể được tính toán chính xác. Tạp chí Sci-News dẫn lời tiến sĩ Kenneth Lacovara từ Đại học Drexel cho biết Dreadnoughtus schrani to lớn đến mức đáng ngạc nhiên, nó nặng hơn cả chục con voi châu Phi ngày nay. Nó to như một ngôi nhà và dùng cái đuôi làm vũ khí. Để phát triển, các thằn lằn hộ pháp đã ăn một lượng rất lớn các loài thực vật.
Từ năm 2005 - 2009, các tiến sĩ Lacovara, Lamanna và đồng nghiệp từ Mỹ, Anh, Argentina đã khai quật tổng cộng 145 xương và răng của hai cá thể Dreadnoughtus schrani, trong đó 115 xương và răng từ mẫu vật lớn hơn. Hiện các nhà khoa học đang sử dụng máy quét laser 3D để tiếp tục nghiên cứu cấu trúc cơ thể, tốc độ tăng trưởng, sức mạnh cơ bắp, cơ chế sinh học của loài khủng long này.
Song Mai
Phát hiện loài khủng long mới, có niên đại 200 triệu năm
50 triệu năm, khủng long hóa thành chim
Vận xui khiến khủng long tuyệt chủng
Đấu giá phân khủng long