Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner đang trải qua một thời kỳ khó khăn.
Lưu để đọc sau
In trang này
Liên hệ đăng lại bài
Nguy cơ xảy ra cách mạng màu tại Argentina dường như đang tăng lên khi phương Tây chỉ trích các chính sách quốc hữu hóa của nước này, còn Argentina từ chối tuân thủ các quy tắc tài chính toàn cầu, đồng thời với đó là các cuộc biểu tình liên tục diễn ra trên các đường phố của thủ đô Buenos Aires.
Tuần trước, hàng chục nghìn người Argentina đã đổ xuống các đường phố ở thủ đô Buenos Aires và các thành phố khác. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu có nội dung ủng hộ dân chủ và phản đối việc bà Cristina Kirchner làm tổng thống nhiệm kỳ thứ 3, đồng thời tố cáo nạn tham nhũng và tội phạm đang phát triển tràn lan ở nước này. Họ tuần hành ở thủ đô Buenos Aires và các thành phố lớn khác, trong đó có Rosario, Mendoza và Bariloche.
Phần lớn các biểu ngữ được giương lên trong cuộc biểu tình ngày 8 và 9/11 đều mang nội dung phản đối nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của bà Kirchner. Với việc tỷ lệ ủng hộ bị giảm sút, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner đang phải trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Bà Cristina Kirchner, nữ Tổng thống đắc cử đầu tiên của Argentina, được bầu làm tổng thống nước này năm 2007 và tiếp tục được bầu lại làm tổng thống vào năm 2011. Theo Hiến pháp Argentina, bà Cristina Kirchner không được giữ chức tổng thống liên tiếp 3 nhiệm kỳ, tuy nhiên những người ủng hộ bà tại Quốc hội Argentina vẫn đang tìm cách vận động để sửa đổi hiến pháp. Tuy nhiên, điều này dường như là bất khả thi khi số người ủng hộ bà sụt giảm trong những ngày này.
Quả thực, tỉ lệ ủng hộ bà đã giảm mạnh, từ 60% khi bà bắt đầu nhiệm kỳ hai xuống còn 30-40% hiện nay. Trong cuộc bầu cử tháng 10/2011, bà giành được 54% số phiếu bầu. Theo kết quả một cuộc điều tra do Viện ManagementFit tiến hành, hơn 80% dân số nước này phản đối ý tưởng làm tổng thống nhiệm kỳ thứ ba của bà Kirchner, 79,4% lo ngại nạn tội phạm và 64% lo ngại tình trạng lạm phát.
Ngoài ra, người dân còn tức giận trước lệnh của chính phủ cấm mua USD. Argentina đã thực thi các biện pháp mạnh để kiểm soát ngoại tệ kể từ cuối năm 2011, trong một nỗ lực nhằm duy trì dự trữ tiền tệ của mình để trả nợ. Nước này gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường vốn quốc tế, mặc dù đã cơ cấu lại 93% trong số khoản nợ 100 tỉ USD bị vỡ nợ hồi năm 2001. Nền kinh tế Argentina - tăng trưởng với tốc độ trung bình là 8% kể từ năm 2003 - được cho là sẽ chậm lại trong năm nay do nền kinh tế toàn cầu đình trệ. Tỉ lệ lạm phát tăng cao khiến mức tiêu dùng giảm, cho dù chính phủ đã tăng lương trên toàn quốc.
Ngày 8 và 9/11, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Buenos Aires và nhiều thành phố lớn khác của Argentina nhằm phản đối chính phủ.
Trước tình hình trên, các cơ quan truyền thông phương Tây đang bắt đầu đổ thêm dầu vào lửa khi "nhiệt tình" đưa tin về các cuộc biểu tình ở Argentina. Các hãng CNN, AP và BBC đều đưa tin về các vụ biểu tình với những thuật ngữ mập mờ, không xác định các thủ lĩnh và các nhóm đối lập đứng đằng sau những cuộc biểu tình. BBC còn sử dụng lại những thuật ngữ đã được dùng để miêu tả "Mùa xuân Arập" khi nói rằng "các nhà hoạt động đối lập đã sử dụng các mạng xã hội để huy động người dân tham gia các cuộc biểu tình mà họ cho là chống chính phủ lớn nhất trong một thập kỷ qua".
Truyền thông phương Tây nói rằng, những người biểu tình tức giận với lạm phát gia tăng, mức độ tội phạm cao và các vụ tham nhũng gây nhiều chú ý, giống hệt những bất bình mơ hồ của các nhóm đối lập được Phố Wall hỗ trợ trên các đường phố ở Venezuela. Bên cạnh những tuyên bố vô căn cứ này là việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đe dọa trừng phạt do Argentina "quay lưng lại" với đồng USD và trật tự tài chính quốc tế do Phố Wall chi phối.
Và giống như tại Venezuela, một chiến dịch có phối hợp chống lại Chính phủ Argentina do Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner đứng đầu đã được bắt đầu trong các bài bình luận khắp giới truyền thông phương Tây. Trong một bài bình luận, báo Chicago (Mỹ) nhận xét những chính sách kinh tế dân túy của Argentina đã chuốc lấy thảm họa.
Theo báo này, Argentina là một quốc gia có tiềm năng lớn về kinh tế đang trượt khỏi con đường phồn vinh do những sai lầm được bắt đầu từ năm 2007. Tổng thống Cristina Fernandez đang dẫn Argentina đến bên bờ vực thảm họa khi từ chối tuân theo các quy tắc tài chính toàn cầu, hạn chế thương mại quốc tế, vi phạm các hợp đồng và đưa ra những dữ liệu giả mạo để che giấu tình hình lạm phát tăng vọt do những chính sách của bà mang lại.
Truyền thông phương Tây đánh giá Argentina đã mắc một sai lầm "chết người" khi quyết định quốc hữu hóa Công ty Năng lượng YPF. Quyết định này đã đẩy Công ty Grupo Repsol của Tây Ban Nha - từng sở hữu cổ phần đa số của YPF - ra khỏi Argentina sau khi họ đã cung cấp bí quyết công nghệ và đầu tư tài chính nhằm phát triển các trữ lượng năng lượng lớn của Argentina, trong đó có việc tìm ra mỏ dầu khí khổng lồ Vaca Muerta.
Các cuộc thương thuyết nhằm đền bù cho Repsol về những tài sản bị tước đoạt tại Argentina sẽ kết thúc một cách tồi tệ đối với quốc gia Nam Mỹ này. Liên minh châu Âu (EU) dường như sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt. Repsol đang muốn 10 tỉ USD và đã gửi thông điệp cho các công ty năng lượng đối thủ rằng, họ sẽ không cho phép các công ty khác được lợi từ các tài sản bị tịch thu của họ. Argentina sẽ khó tìm được đối tác để giúp họ khai thác nguồn tài nguyên sinh lợi này.
Cuộc "đảo chính tài chính" chống lại Repsol đã giành được sự ủng hộ lớn ở trong nước. Tỷ lệ ủng hộ bà Fernandez lúc đó đã tăng vọt. Thậm chí cả các đảng đối lập cũng ủng hộ động thái này. Các quan chức chính phủ tuyên bố họ đã “phục hồi phẩm giá cho Argentina” khi dũng cảm đương đầu với những người nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên của họ.
Theo truyền thông phương Tây, chính những việc làm trên của bà Fernandez đang khiến Argentina phải trả giá. Họ dự báo, những điều diễn ra tiếp theo sẽ là các cuộc tấn công có phối hợp, bao gồm các lệnh trừng phạt, cô lập, tấn công chính trị, tấn công tiền tệ, các cuộc biểu tình trên đường phố có thể bắt đầu từ việc những người biểu tình phản đối tình trạng tắc nghẽn giao thông, sau đó leo thang thành bạo lực, bị kích hoạt bằng những "tay súng bí mật". Giới quan sát nhận định, đây là những chiến thuật đang được sử dụng trong cuộc chiến tranh không thông thường của Mỹ nhằm gây bất ổn, chia rẽ và phá hủy các quốc gia.
Tuy nhiên, cũng giống như tại Venezuela, chiến dịch chống Chính phủ Argentina có thể được chặn đứng nếu người ta nhận thức đúng rằng những điều phương Tây đang làm là nhằm buộc Argentina trở lại "trật tự thế giới" do phương Tây chi phối, nhằm phục vụ cho các nhu cầu của Mỹ và các đồng minh
Open all references in tabs: [1 - 4]