Lại bùng phát căng thẳng giữa Anh và Argentina

Một ngày sau khi chính phủ của Thủ tướng Anh David Cameron thông báo sẽ tăng cường năng lực phòng thủ tại quần đảo tranh chấp với Argentina, Bộ Ngoại giao Argentina tuyên bố sẽ tố cáo lên Liên Hợp Quốc hành động khiêu khích làm leo thang quân sự của Anh tại quần đảo này.        

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Argentina Héctor Timerman bác bỏ kế hoạch đáp trả bằng kế hoạch tấn công quân sự quần đảo Malvinas mà phía Anh gọi là Falkland; đồng thời bày tỏ thiện chí đối thoại để tìm ra giải pháp hòa bình cho những bất đồng về tranh chấp chủ quyền theo luật pháp quốc tế. 

Tình hình căng thẳng trên quần đảo Malvinas/Falkland chưa hề suy giảm vì tranh chấp giữa Anh và Argentina (ảnh: Guardian)

Ông Héctor Timerman nhấn mạnh quần đảo Malvinas/Falkland có thể coi là một trong số ít những thuộc địa còn lại trên thế giới mà Anh từ chối trao trả. Tiếp tục khẳng định quần đảo này là một phần lãnh thổ Argentina, Ngoại trưởng Héctor Timerman cho biết quốc gia Nam Mỹ này sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng việc đòi Anh trả lại phần lãnh thổ này.

Ngày 24/3 trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon thông báo quân đội nước này sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự để bảo vệ công dân trên đảo, khẳng định năng lực phòng vệ tại quần đảo tranh chấp với Argentina nhằm đối phó với "mối đe dọa hiện hữu và cụ thể" tại khu vực này.

Theo đó, kế hoạch vừa nêu kéo dài 10 năm với tổng chi phí lên tới 268 triệu USD bao gồm nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và triển khai 2 trực thăng Chinook tới quần đảo phía Nam Đại Tây Dương này vào giữa năm tới 2016.

Trước tuyên bố đó, ông Daniel Fimus, Quốc vụ khanh Argentina phụ trách quần đảo tranh chấp cho rằng quyết định đó là không cần thiết và rằng chỉ nhằm mục đích tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri cho cuộc bầu cử vào tháng 5 tới tại Anh và biện hộ cho việc tăng chi phí cho Bộ Quốc phòng nước này.

Ông Daniel Fimus nói: “Anh đầu tư nhiều vũ khí và nhân lực nói rằng tăng cường phòng thủ trên đảo. Chẳng có lý do nào để nước Anh phải làm điều đó cả. Bởi Argentina không phải là mối đe dọa của nước Anh cũng như đối với những cư dân đang sống trên quần đảo này. Vậy thì đó là mối đe dọa nào? Có chăng hành động được coi là khiêu khích quân sự này về cơ bản là nhằm vào tình hình bầu cử nội bộ của nước Anh”.

Anh đóng quân trên quần đảo Malvinas/Falkland  từ năm 1833. Tranh chấp vốn dai dẳng giữa hai bên về chủ quyền quần đảo này lại gia tăng trong những năm gần đây.

Liên Hợp Quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, song Chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo này và chỉ làm việc với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện mong muốn./. 

Leave a Reply