El Nino tác động ra sao đến VN?

Your browser does not support the audio element.

Hiện tượng El Nino mạnh trong thời gian qua cho đến nay vẫn còn diễn tiến với những tác động khác nhau ở nhiều nơi trên Trái Đất. Ghi nhận mới nhất về đợt El Nino này ra sao? Thực trạng tại Việt Nam được ghi nhận thế nào và cơ quan liên quan trong nước có những biện pháp gì để giảm thiểu những tác động bất lợi của El Nino?

Đánh giá tình hình chung

Cơ quan Không gian NASA của Hoa Kỳ đuợc trích dẫn cho rằng hiện tượng El Nino trong năm nay chưa có dấu hiệu gì giảm đi, Những hình ảnh vệ tinh thu thập được cho thấy El Nino kỳ này đang trên đà tương tự hoặc thậm chí vượt đợt El Nino lớn nhất từ trước đến nay vào hai năm 1997-1998. Cụ thể những hình ảnh vệ tinh ghi nhận độ cao mặt biển Thái Bình Dương cách đây 18 năm và hiện nay cho thấy không khác biệt nhau là bao. Tuy vậy qua so sánh, giới chuyên môn nhận thấy đợt El Nino 1997-98 đạt cao đỉnh vào tháng 11 năm 97; trong khi đó đợt kỳ này sang tháng 12 mới tác động đến một khu vực rộng lớn hơn và như thế có thể kết luận cực điểm của đợt El Nino này chưa đến.

Cụ thể vào tháng 11 năm 1997, nuớc biển ở trung Thái Bình Dương ấm hơn trung bình 2,8 độ C. Kỳ này vào đầu tháng 11 năm ngóai đo được ấm hơn trung bình 2,8 độ C rồi và sang ngày 18 lên mức 3,1 độ C ấm hơn trung bình. Đây là mức ấm nhất đo được từ trước đến nay.

Đợt El Nino kỳ này, được mệnh danh ‘Godzilla El Nino’, gây nhiều mưa và tuyết hơn tại vùng bờ Tây nuớc Mỹ. Cuối tháng 12 vừa qua giới chức California ra báo cáo nói tuyết ở Sierra Nevada lên mức 136% so với mức độ thông thường. Tình trạng này có thể được xem là tin vui cho bang này sau mấy năm hạn hán kỷ lục; thế nhưng mưa lớn lại là mối nguy gây lụt lội, lở đất.

Ở đây chúng tôi tiếp tục đánh giá El Nino mạnh và kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam. Tiếp tục trên cơ sở nhận định đó, dự báo mùa đông ở phía Bắc ấm và khô hơn bình thường.
- Tiến sĩ Hòang Đức Cường

Đợt El Nino mạnh năm 1997-1998 tăng gấp đôi lượng mưa trung bình ở nam California cũng như gây ra những trận bão dữ dội.

Kỳ này El Nino mạnh cũng có thể gây mưa thêm ở hầu hết các bang miền nam nước Mỹ và đến vùng bờ đông. Trong khi đó thì những bang miền bắc vào mùa đông này lại khô và ấm hơn so với bình thường.

Độ cao mặt biển tăng bất thường dọc khu vực xích đạo tại Thái Bình Dương là chỉ dấu về việc nước biển ấm lên. Lúc đó sức nóng và độ ẩm đuợc đẩy cao lên khiến thay đổi luồng khí quyển hẹp và ảnh hưởng đến đường đi bão tố trên khắp thế giới.

Hiện tượng ghi nhận được tại Việt Nam

Tại Việt Nam hiện tượng El Nino kỳ này gây ra một số bất thường qua ghi nhận của tiến sĩ Hòang Đức Cường, giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Trung ương Việt Nam như sau:

“Ở đây chúng tôi tiếp tục đánh giá El Nino mạnh và kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam. Tiếp tục trên cơ sở nhận định đó, dự báo mùa đông ở phía Bắc ấm và khô hơn bình thường. Thế còn ở Trung bộ và Tây Nguyên mùa mưa đến muộn nên chúng tôi nhận định hạn hán sẽ căng thẳng vào mùa khô sắp tới. Nhận định đó không có gì khác so với trước đây. Khi chứng kiến những bất thường vừa rồi, chúng tôi gia tăng cảnh báo về  những bất thường có thể xảy đến như mưa trái mùa…”

Theo ông Hoàng Đức Cường thì El Nino kỳ này khởi phát từ cuối năm 2014 và đã có tác động trong năm qua, đồng thời có khả năng tiếp tục duy trì cường độ mạnh trong những tháng mùa đông-xuân. Sau đó vào những tháng đầu mùa hè năm nay sẽ có xu hướng giảm dần về cường độ. Ông này cho rằng dưới tác động của El Nino nhiều khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam sẽ tương đương hoặc ít hơn trung bình nhiều năm Lượng mưa trên phạm vi toàn quốc nhìn chung sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 25 đến 50%. Trung bộ sẽ thiếu hụt nhiều hơn.

Nhiệt độ trung bình sáu tháng đầu năm có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và nắng nóng gia tăng, mùa đông rét đậm không kéo dài. Dòng chảy năm ở các dòng sông thuộc Trung Bộ và Tây Nguyên nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 10% trở lên và có thể hụt tới 50% đến 60%. Trên sông Cửu Long ít có khả năng xuất hiện đỉnh lũ lớn.

Một chuyên gia về môi trường tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm thuộc Khoa Tài Nguyên và Môi trường nước Đại học Cần Thơ, cũng đưa ra những ghi nhận về tác động của hiện tượng El Nino kỳ này đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long:

“Năm nay hiện tượng El Nino căng thẳng thì ở đây người ta cũng lo, sợ  mưa gió không bình thường. Người ta cũng chuẩn bị tinh thần vậy thôi chứ còn chuyện thời tiết, khí hậu bây giờ cũng bất thường thật sự. Người ta dự đoán năm nay nước có thể mặn hơn vì năm rồi không có lũ lớn, nước không nhiều. Năm nay người ta cố gắng xuống giống sớm để né hạn cuối vụ. Vụ đông xuân năm nay bà con cố gắng xuống giống sớm hơn để có thể thu họach sớm, đến tết có thể thu họach rồi.”

Tiến sĩ Hoàng Đức Cường cho biết dựa trên những ghi nhận về diễn biến thời tiết và các nhận định về tác động sắp đến của El Nino mạnh kỳ này, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Trung ương Việt Nam tiếp tục theo dõi tình hình. Đặc biệt là khả năng xảy ra mùa đông khô ẩm ở Bắc Bộ, khả năng thiết hụt mưa, dòng chảy dẫn đến hạn hán được báo sẽ khốc liệt ở Trung Bộ, Tây Nguyên và khả năng xâm nhập mặn sớm, sâu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong những tháng đầu năm nay.

Ông này nói rõ Trung tâm Dự Báo Khí tượng Thủy Văn Việt Nam sẽ thường xuyên cập nhật các bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn trong mùa mưa khi mà bão lũ đuợc dự kiến sẽ phức tạp hơn năm qua khi mà hiện tượng ENSO trở lại trạng thái trung gian vào nửa cuối năm nay. (ENSO là từ viết tắt chỉ sự xuất hiện đồng thời của hai hiện tượng El Nino, La Nina và dao động Nam- Southern Osillation. Dao động Nam là một dạng dao động của khí quyển dưới dạng sóng dài tồn tại thuờng xuyên trong khí quyển ở khu vực Nam Thái Bình Dương.)

Tiến sĩ Hoàng Đức Cường cho biết nơi đến của những bản dự báo mà trung tâm của ông đưa ra:

“Trước hết chúng tôi gửi đến ủy ban Trung ương Phòng tránh Thiên tai. Đây là nơi mà Nhà nước giao xử lý thông tin cảnh báo thiên tai và thủy văn rồi sau đó ra các biện pháp ứng phó ở cấp trung ương và địa phương nếu như thấy cần thiết.

Thứ hai chúng tôi cũng cảnh báo cho các đơn vị cùng ngành ở địa phương để các tỉnh liên quan có phương án thay đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ vào mùa đông ở phía bắc; cũng như dịch chuyển thời vụ… Ở miền trung và miền nam cũng cảnh báo xâm nhập mặn đến sớm để điều chỉnh mùa vụ cho phù hợp…”

Trong khi đó đơn vị chuyên môn như Khoa Tài Nguyên- Môi truờng nơi tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm làm việc cũng có những khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể cho người dân để tránh những tác động bất lợi của El Nino mạnh năm nay. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm phát biểu:

“Nhiều nhà khoa học tại Đại học Cần Thơ nghiên cứu những giống lúa chịu mặn, chịu được điều kiện khô hạn. Còn bên Khoa Tài Nguyên- Môi trường nước chúng tôi cũng cố gắng về mặt tưới tiêu, tiết kiệm nước. Thay vì sử dụng nước nhiều như truớc kia thì nay sử dụng ít hơn. Đặc biệt các vùng thượng nguồn nay áp dụng phương pháp tưới tiêu luân phiên, chứ không phải tưới theo truyền thống liên tục mà xem kẻ tuới tiêu giữa khô và ướt để tiết kiệm nước.”

Báo Tuổi Trẻ vào đầu tháng giêng trích dẫn đề nghị của thứ truởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường Nguyễn Thái Lai đối với UBND các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, thành phố Đà Nẵng hãy chỉ đạo các sở ngành thuộc địa phương quản lý theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, dòng chảy đến các hồ để kịp thời điều chỉnh lưu lượng xả nuớc, bảo đảm sử dụng nguồn nước của các hồ một cách hiệu quả.

Bộ Tài Nguyên- Môi trường nhắc lại rằng ngay cả trong mùa lũ năm 2015, hầu hết các lưu vực sông ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều không xuất hiện lũ. Cộng với ảnh huởng của El Nino nhiều hồ chứa không tích đủ lượng nước tối thiểu để điều tiết cấp nước cho hạ du trong suốt mùa cạn.

Một số hồ chứa như A Vương, Sông Bung 4, sông Ba Hạ, Kanak, Sê San… trong năm qua thiếu hơn 500 triệu mét khối nuớc so với lượng nuớc tối thiểu của qui định vận hành do thủ tướng Việt Nam đã phê duyệt.

Nhận định cũng cho thấy hiện nay dòng chảy về các hồ còn rất nhỏ.

Những nơi bị tác động nhiều nhất

Theo đánh giá của giới chuyên gia khí hậu thì lượng mưa thấp do El Nino gây ra có thể dẫn đến tình trạng hạn hán tại nhiều vùng ở lục địa đen Châu Phi, đặc biệt ở Đông Phi và cùng Sừng Phi Châu. Tại lục địa này thì Ethiopia là một trong những quốc gia được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề nhất với tình trạng hạn hán đang diễn ra được ghi nhận tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Sẽ có chừng 8,2 triệu trên tổng số 100 triệu dân của Ethiopia sẽ phải cần trợ cấp luơng thực. Số này là những nông dân sống nhờ vào sản phẩm canh tác ra cũng như gia súc mà họ nuôi được; thế nhưng hạn hán sẽ gây mất mùa và gia súc cũng thiếu đói thức ăn đến chết.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc- WFP, ước tính có chừng 2,3 triệu người ở Trung Mỹ La Tinh sẽ phải nhờ trợ cấp lương thực do mùa màng thất bát bởi hạn hán kéo dài.

Năm nay hiện tượng El Nino căng thẳng thì ở đây người ta cũng lo, sợ  mưa gió không bình thường. Người ta cũng chuẩn bị tinh thần vậy thôi chứ còn chuyện thời tiết, khí hậu bây giờ cũng bất thường thật sự.
- Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm

Tại khu vực Châu Á, nạn cháy rừng tại Indonesia được dự báo sẽ tiếp diễn do El Nino tác động thêm vào mùa khô kéo dài. Vào hai tháng 10 và 11 vừa qua cháy rừng lan ra nhiều khu vực của nuớc này rồi.

Thống kê cho thấy kỳ El Nino mạnh năm 1997-1998 làm 20 ngàn nguời chết trên thế giới và thiệt hại tài chính do lụt lội, hạn hán, cháy rừng, bảo tố, lở đất tổng cộng gần 97 tỷ đô la.

Kỳ này El Nino khi kết hợp với tình trạng biến đổi khí hậu được cho phần nào khiến cho năm 2015 là năm nóng nhất ghi nhận được cho đến nay. Tại Ấn Độ có hơn 2000 người thiệt mạng trong đợt nóng do mưa mùa đến muộn. Sau đó khi mưa mùa đến thì mưa lớn bất thường. Tất cả đều được cho là bởi tác động của hiện tượng El Nino.

Tại một số đảo quốc ở Thái Bình Dương, nhiều rạn san hô phơi ra do mực nước xuống quá thấp. Các nhà khoa học nhận được hình ảnh san hô phơi ra tại Guam. Chuyện này chỉ xảy ra trong những thời kỳ El Nino cực đoan. Kỳ  này El Nino cũng khiến cho nhiều rạn san hô trên khắp tòan cầu bị tẩy trắng hằng loạt.

Theo các nhà khoa học, sau khi El Nino kết thúc sẽ tiếp đến hiện tượng La Nina đối lại. Và La Nina tiếp đến đây được dự báo cũng sẽ mạnh và đưa đến những tác động ngược với thời kỳ El Nino. Theo dự báo thì hiện tượng La Nina trong thế kỷ 21 này sẽ kết hợp với tình trạng  biến đổi khí hậu gây ra những tác động gấp đôi so với bình thường.

Leave a Reply