Tổng thống đắc cử Argentina Mauricio Macri. Ảnh: Reuters
Tại buổi làm việc mới đây, Quốc vụ khanh phụ trách Tài chính Luis Caputo đã khẳng định với đại diện cơ quan tư pháp Mỹ Daniel Pollack ý định tiến hành đàm phán nhanh với các chủ nợ ngay sau khi Tổng thống đắc cử Argentina nhậm chức vào ngày 10/12.
Tuy nhiên, thời điểm chính xác để tiến hành đàm phán chưa được tiết lộ.
Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD vào cuối năm 2001, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010.
Để có thể tái cơ cấu nợ, Argentina đã thuyết phục được những chủ nợ sở hữu 92,4% số trái phiếu đồng ý cho đảo nợ và chỉ nhận một phần mệnh giá trái phiếu.
Tuy nhiên, trong số các chủ nợ còn lại nắm giữ khoảng 7,6% số trái phiếu, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã không đồng ý và kiện Argentina lên tòa án New York.
Các quỹ trên đòi Buenos Aires phải thanh toán toàn bộ trái phiếu theo mệnh giá, cùng tiền lãi và tiền phạt, với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ USD. Các quỹ này đã được Thẩm phán Tòa án New York Thomas Griesa tuyên bố thắng kiện, đồng nghĩa với việc đẩy Argentina vào nguy cơ bị các chủ trái phiếu khác yêu cầu cũng được hưởng ưu đãi tương tự.
Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả số tiền khổng lồ ước tính lên tới 250 tỷ USD.
Cho tới nay, Tổng thống mãn nhiệm Cristina Fernandez vẫn luôn phản đối phán quyết trên và tìm cách thanh toán cho các chủ nợ mà quốc gia Nam Mỹ này công nhận, trong khi bỏ qua các quỹ đầu cơ mà nước này gọi là "quỹ kền kền".
Chính phủ cánh tả của bà Fernandez phê phán các quỹ này tìm kiếm lợi nhuận với giá “cắt cổ” và phá hoại nền kinh tế các nước. Argentina cũng đã đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc yêu cầu thiết lập khuôn khổ ngăn chặn tình trạng các quỹ đầu cơ xâm phạm chủ quyền kinh tế của một quốc gia.
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Macri, một người theo đường lối cánh hữu, khẳng định cần thực thi phán quyết của ông Griesa để Argentina có thể tiếp cận được với thị trường tín dụng quốc tế./.