Theo kết quả mới nhất, với 95% số phiếu đã được kiểm, ông Macri giành được gần 52% số phiếu ủng hộ, trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Scioli là hơn 48%.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Argentina phải bỏ phiếu vòng hai để bầu ra người đứng đầu quốc gia sẽ nắm quyền điều hành đất nước trong vòng 4 năm tới. Do đó, cuộc tổng tuyển cử năm nay đã diễn ra vô cùng căng thẳng.
Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Schioli thừa nhận ông Mauricio Macri đã trở thành Tổng thống đắc cử của Argentina.
Ông nhấn mạnh sẽ tôn trọng kết quả bầu cử cũng như sự lựa chọn của người dân. Ứng cử viên phe cánh tả này bày tỏ hy vọng đất nước Argentina với sự lãnh đạo của liên minh "Thay đổi" trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Cristina Fernandez. Về phần mình, ông Macri cam kết sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước.
Chân dung tân Tổng thống Argentina
Như vậy, với kết quả bầu cử trên, ông Mauricio Macri thuộc liên minh "Thay đổi" theo đường lối trung hữu đã là người dành chiến thắng và sẽ trở thành tân Tổng thống dẫn dắt Argentina trong nhiệm kỳ tới.
Ông Mauricio Macri, 56 tuổi, Thị trưởng Buenos Aires, kỹ sư xây dựng, xuất thân từ một gia đình giàu có nổi tiếng ở Argentina. Ông là người luôn đối đầu với những chính sách kinh tế của Tổng thống sắp mãn nhiệm Cristina Fernandez.
Ông giữ chức Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Boca Juniors từ năm 1995 tới năm 2008, giai đoạn hoàng kim của câu lạc bộ này. Ông là nghị sỹ Quốc hội từ 2005 tới 2007 trước khi làm thị trưởng Buenos Aires.
Cương lĩnh tranh cử của ông là “thay đổi” cũng chính vì lẽ đó ở vào giai đoạn chót của cuộc bầu cử liên minh của ông này đã lấy tên này. Ông tuyên bố sẽ mở ra một giai đoạn mới tại Argentina sau 12 năm cầm quyền của bà Cristina Fernandez và chồng bà cố Tổng thống Nestor Kirchner
Tân thủ tướng Argentina theo đuổi chính sách tự do mới, phản đối quốc hữu hóa, ủng hộ phá giá đồng tiền và mở cửa thị trường trong nước. Ông cũng cho rằng cần xóa bỏ rào cản giữa các tầng lớp trong xã hội và đã tới lúc cần phải cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước.
Thách thức với tân Tổng thống Argentina
Như vậy là cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 ở Argentina đã khép lại sau hơn 3 tháng tranh cử quyết liệt giữa các ứng cử viên với thắng lợi thuộc về ông Mauricio Macri thuộc liên minh trung hữu "Thay đổi" đối lập.
Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với việc, ông Macri sẽ gánh trên vai những kỳ vọng của người dân và trách nhiệm nặng nề để vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh hiện đang trì trệ, cũng như giải quyết vấn đề chia rẽ hiện nay trong xã hội Argentina.
Nhiệm vụ của tân Tổng thống Argentina trong thời gian tới sẽ chủ yếu tập trung vào việc vực dậy nền kinh tế, bao gồm giảm lạm phát, thu hút đầu tư phục vụ tăng trưởng và giải quyết nợ với các quỹ đầu cơ.
Hiện nay, kinh tế Argentina đang không tăng trưởng, thâm hụt ngân sách lớn do phải chi trả quá nhiều cho các chương trình phúc lợi xã hội, không thu hút được đầu tư, lạm phát lên tới 14,5% từ đầu năm tới nay, chính sách tỷ giá hối đoái với nhiều bất cập, dự trữ ngoại tệ eo hẹp và đồng tiền nội tệ ngày càng mất giá.
Đối diện với ngân sách ngày càng eo hẹp, vị Tổng thống sắp tới có thể sẽ phải cố tìm cách giảng hòa với các chủ nợ nước ngoài, thuyết phục các nhà đầu tư rằng Argentina là 1 địa chỉ kinh doanh an toàn và dỡ bỏ những rào cản đối với tăng trưởng kinh tế.
Một thách thức nữa không kém phần cam go là vấn đề chia rẽ trong xã hội. Theo kết quả mới nhất, với 95% số phiếu đã được kiểm, ông Macri giành được 51,8% số phiếu ủng hộ, trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Scioli là 48,2%, như vậy là chỉ với chênh lệch không đáng kể 3%.
Điều này cho thấy xã hội Argentina hiện đang trong tình trạng chia rẽ, nhiều người vẫn muốn tiếp tục theo đuổi các chính sách tiến bộ, bỏ qua sự cám dỗ của chủ nghĩa tự do mới mà lực lượng cánh hữu bảo thủ khu vực theo đuổi.
Trong thời gian tới, Tổng thống đắc cử Macri chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước, bởi ông sẽ phải đối mặt với 1 lưỡng viện Quốc hội, mà người của đảng Mặt trận vì thắng lợi cầm quyền (FpV) chiếm đa số và 1 xã hội chia rẽ về tư tưởng./.