Argentina đưa ra đề xuất "đột phá" để giải quyết khủng hoảng nợ

Ảnh minh họa. (Nguồn: mercopress.com)

Ngày 5/2, Chính phủ mới của Argentina đề nghị trả 6,5 tỷ USD để dàn xếp "cuộc chiến" nợ kéo dài gần 15 năm qua với các chủ nợ đã kiện nước này ra toà án Mỹ. Động thái này được coi là một bước "đột phá" để giải quyết khủng hoảng nợ.

Vụ tranh chấp và kiện tụng ra toà án Mỹ này đã làm khuấy động thị trường nợ chính phủ, đồng thời khiến Argentina không thể tiếp tục vay nợ nước ngoài để tiếp sức cho nền kinh tế.

Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires dẫn thông cáo của Bộ Kinh tế-Tài chính cho biết, Argentina đã thương lượng với các quỹ đầu tư mạo hiểm và một số chủ nợ khác để trả khoảng 75% số tiền trái phiếu hơn 9 tỷ USD như phán quyết của Thẩm phán Tòa án liên bang New York Thomas Griesa.

Đề nghị này của Chính phủ Argentina sẽ được trình Quốc hội vào ngày 11/2 tới đây trong một phiên họp bất thường. Đề nghị được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi Chính phủ Argentina đạt được thỏa thuận thanh toán nợ với 50.000 trái chủ Italy, với số tiền lên tới 900 triệu USD.

Luật sư Mỹ Daniel Pollack, người chủ trì các cuộc đàm phán tại New York giữa Argentina và các chủ nợ đánh giá quá trình thương lượng rất hiệu quả.

Ông cũng cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Argentina Mauricio Macri và Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Alfonso Prat Gay, hai ông này đã thể hiện sự linh hoạt trong thương lượng về nợ với các đầu tư. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Argentina đưa ra đề xuất thanh toán với các chủ nợ sau hơn 1 thập kỷ tranh cãi.

Luật sư Daniel Pollack nói: "Vụ tranh chấp này đã kéo dài gần 15 năm kể từ khi Argentina vỡ nợ lần đầu tiên năm 2001. Đề nghị của Argentina là một bước đột phá lịch sử." Nếu đề nghị này được chấp thuận và tất cả các điều kiện được đáp ứng thì Argentina sẽ có thể quay trở lại các thị trường tài chính toàn cầu để huy động nguồn vốn mà nước này đang rất cần.

Hiện mới chỉ có Montreux Partners và Dart Management, là hai trong số sáu chủ nợ, đồng ý đề nghị này còn bốn chủ nợ khác, trong đó có hai quỹ đầu cơ đứng đầu nhóm chủ nợ này là Quỹ NML - một bộ phận của Elliott Management- và Aurelius Capital Management vẫn chưa có ý kiến.

Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD vào cuối năm 2001, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Nước này đã thuyết phục được những chủ nợ sở hữu hơn 92% số trái phiếu đồng ý cho đảo nợ và chỉ nhận một phần mệnh giá trái phiếu.

Tuy nhiên, trong số các chủ nợ còn lại nắm giữ gần 8% số trái phiếu còn lại, có một số quỹ đầu cơ, đứng đầu là 2 quỹ của Mỹ kể trên, đã kiện Argentina lên tòa án New York.

Các quỹ trên đòi Buenos Aires phải thanh toán toàn bộ trái phiếu theo mệnh giá, cùng tiền lãi và tiền phạt. Thẩm phán Griesa đã ra phán quyết ủng hộ các chủ nợ.

Năm 2014, một nhóm chủ nợ khác theo đà đó cũng đệ đơn lên tòa án New York yêu cầu Argentina trả nợ theo như phán quyết của ông Griesa. Bộ trưởng Prat Gay chỉ trích việc Buenos Aires không thương lượng với các nhà đầu tư đầu cơ này khiến cho các khoản nợ tăng lên đáng kể.

Thời điểm Argentina bắt đầu bị kiện, con số này chỉ ở mức gần 3 tỷ USD, nhưng hiện tại đã lên tới gần 10 tỷ USD.

Chính phủ mới của Argentina cho rằng việc giải quyết nợ sẽ giúp Argentina có thể tiếp cận trở lại với các thị trường tín dụng toàn cầu cũng như giảm thâm hụt tài chính, một biện pháp giúp kiềm chế tỷ lệ lạm phát hiện ở mức hai con số dưới thời Tổng thống mãn nhiệm Cristina Fernandez.

Tổng thống mãn nhiệm Fernandez vẫn luôn phản đối phán quyết trên và tìm cách thanh toán cho các chủ nợ mà quốc gia Nam Mỹ công nhận, trong khi bỏ qua các quỹ đầu cơ mà nước này gọi là "quỹ kền kền."

Chính phủ cánh tả của bà Fernandez phê phán các quỹ này tìm cách trục lợi với giá “cắt cổ” và phá hoại nền kinh tế các nước.

Argentina cũng đã đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc yêu cầu thiết lập khuôn khổ ngăn chặn tình trạng các quỹ đầu cơ xâm phạm chủ quyền kinh tế của một quốc gia./. 

Leave a Reply