Trước đó, ngày 12/3, Thẩm phán Tòa án thành phố New York (Mỹ) Thomas Griesa ra phán quyết không cho phép Citibank thực hiện các khoản thanh toán của Chính phủ Argentina cho các trái chủ, trừ phi các chủ nợ Mỹ cũng được hoàn trả số tiền mà họ đang yêu cầu.
Chịu sức ép từ hai phía, Citibank cho biết họ có kế hoạch kháng cáo đối với quyết định của Tòa án thành phố New York và sẽ theo đuổi tất cả những hành động hợp pháp trong khả năng để làm sao "chiều lòng" cả hai bên.
Mâu thuẫn giữa hai bên liên quan đến vụ vỡ nợ 100 tỷ của Argentina hồi năm 2001. Tòa án thành phố New York cho rằng các quỹ đầu tư của Mỹ phải được trả khoảng 1,5 tỷ USD, nếu Argentina trả lãi cho các chủ nợ khác.
Còn theo lập luận của Argentina, số trái phiếu sau hai lần hoán đổi nợ năm 2005 và 2010 theo luật pháp Argentina cũng như các khoản thanh toán nợ trên không thuộc phạm vi phán quyết của tòa án Mỹ.
Trong hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010, các chủ nợ nắm giữ 92,4% số trái phiếu của Argentina đồng ý đảo nợ và chỉ nhận một phần giá trị danh nghĩa của trái phiếu.
Tuy nhiên, trong số các chủ nợ nắm giữ khoảng 7,6% số trái phiếu còn lại, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là hai quỹ NML Capital và Aurelius Capital Management của Mỹ, đã kiện Argentina lên tòa án New York, đòi Buenos Aires phải thanh toán toàn bộ trái phiếu với 100% giá trị, cùng tiền lãi và tiền phạt, với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ USD.
Theo Vietnam Plus