Bóng đá đỉnh cao từng chứng kiến rất nhiều cầu thủ tài năng có thừa, nhưng lại không bao giờ chơi đúng với thực lực...
Ariel Ortega
“Chú lừa nhỏ” có tên trong đội hình dự World Cup 1994 ở Mỹ của đội tuyển Argentina bên cạnh huyền thoại Diego Maradona và được chờ đợi sẽ là người tiếp theo mặc chiếc áo số 10 vĩ đại. Tuy nhiên, bất chấp những vụ chuyển nhượng đình đám ở châu Âu và góp mặt tại 3 kỳ World Cup, Ortega chưa bao giờ chơi đúng kỳ vọng. Anh có những khoảnh khắc huy hoàng, nhưng sự thất vọng là chủ yếu. Vài năm cuối sự nghiệp, Ortega chơi cho River Plate mà không giành được thành công nào. Cuối quãng đường cầu thủ, anh phải đi cai nghiện rượu và kết thúc ở một đội vô danh tại một giải hạng thấp của Argentina.
Juan Roman Riquelme
Hầu hết các CĐV của Boca Juniors đều sẽ khẳng định Juan Roman Riquelme không chơi đúng với tài năng của anh. Ngay cả 3 chức vô địch Copa Libertadores, 1 Cúp liên lục địa và 5 chức vô địch Argentina cũng bị xem là chưa xứng. Bên ngoài sân Bombonera, thế giới ít khi được thấy Roman ở phong độ đỉnh cao. Giai đoạn ở Barcelona của anh là một thất bại, một phần bởi HLV Louis Van Gaal, người khăng khăng rằng Riquelme phải đá ở cánh. Villarreal, nơi anh chơi hơn 100 trận, là một thành công, nhưng vẫn không đủ với một tài năng lớn như Riquelme. Rốt cuộc, anh kết thúc 11 năm chơi bóng ở châu Âu mà không có danh hiệu lớn nào.
Alvaro Recoba
Cầu thủ quê ở Montevideo là một tài năng bóng đá phi thường. Nhưng Recoba, như chính anh thừa nhận, cũng là một kẻ lười biếng khác thường. Recoba có những vấn đề về thể lực, và điều đó cản trở tiền đạo người Uruguay rất nhiều trên đường sự nghiệp. Trong 11 năm của anh ở Inter với hơn 300 trận, gần 100 bàn thắng và những pha chiếu lại ngoạn mục trên YouTube, Recoba ít khi chơi đúng kỳ vọng. Thiếu thể lực, anh chơi không ổn định, đôi khi một tay giành về chiến thắng cho Inter, nhưng những lúc khác mất hút trên sân. 36 tuổi, El Chino về lại quê nhà cho cho Nacional.
Adriano
Một ví dụ hoàn hảo về việc một tài năng bóng đá lớn có thể bị hủy hoại ra sao. Cầu thủ người Brazil chuyển sang Inter với giá 10 triệu euro khi còn rất trẻ, nhưng những buổi chơi bời thâu đêm suốt sáng và sự nông nổi của tuổi trẻ đã khiến thời gian của Adriano tại San Siro là một nỗi thất vọng lớn. Trong những năm cuối cùng, Adriano, quá béo và quá lười nhác, trở về quê nhà, lúc thì Flamengo, lúc thì Corinthians. Anh đã không chơi bóng từ năm 2012, một kết thúc buồn cho một tài năng lớn mới ở độ tuổi 30.
Denilson
Anh từng khoác áo số 10 của đội tuyển Brazil trong trận chung kết World Cup 1998 gặp Pháp và là cầu thủ đắt giá nhất thế giới khi chuyển sang Real Betis. Tuy nhiên, 7 năm ở TBN không diễn ra như kỳ vọng. Denilson chuyển sang Flamengo, rồi Bordeaux, nhưng sự nghiệp cứ ngày càng xuống dốc. Anh kết thúc những ngày tháng lầm lũi ở UAE, Trung Quốc, Hy Lạp rồi Việt Nam và ở tuổi 32, với hơn 60 trận khoác áo đội tuyển Brazil, Denilson tuyên bố giải nghệ.
Michael Owen
Owen được kỳ vọng là Geoff Hurst mới, là Gary Lineker mới, là Alan Shearer mới của nước Anh, từ khi còn rất trẻ. Trưởng thành từ Liverpool, anh khiến cả thế giới kinh ngạc với 2 bàn thắng vào lưới Argentina ở tứ kết World Cup 1998 khi mới 19 tuổi, nhưng tiếc thay, đó cũng là những khoảnh khắc đẹp nhất trong đời cầu thủ của Owen. Anh tiếp tục tham dự EURO 2000, 2004 và World Cup 2002, nhưng tất cả đều kết thúc trong thất vọng. Ở cấp CLB, quyết định chia tay Liverpool năm 2004 là một sai lầm khi kể từ đó, sự nghiệp của anh chỉ xuống dốc, với Real Madrid, Newcastle rồi M.U trước khi ra đi không kèn không trống ở tuổi 33 trong màu áo Stoke.
George Best
Trong những năm cuối sự nghiệp, vây quanh George Best không phải là những cầu thủ lớn, mà là bồi bàn các quán bar và gái nhẩy. Best thực ra đã chơi bóng đầy cảm hứng và được coi là cầu thủ tài năng nhất mà bóng đá sương mù từng sản sinh ra. 23 tuổi, ông đã vô địch Cúp C1 cùng M.U (đội Anh đầu tiên làm được như thế). Nhưng từ đó trở đi là những ngày buồn, khi Best lang thang khắp nơi, rồi chuyển sang đá ở Mỹ. Best đã để lại dấu ấn không phai mờ với bóng đá Anh, nhưng cũng để lại nhiều sự tiếc nuối khi không ai được chứng kiến ông ở đỉnh cao thực sự.
Patrick Kluivert
Kluivert từng được coi là người thừa kế xứng đáng của Marco van Basten: tốc độ, mạnh mẽ trong không chiến, kiểm soát bóng khéo léo, tinh tế nhưng hiệu quả và hết sức thông minh. Anh mới 18 tuổi khi đá chính trong đội hình Ajax vô địch Champions League. Nhưng vụ chuyển nhượng đầu tiên của Kluivert sang Milan là một thất bại. Với Barcelona sau đó, tình hình có khá hơn, nhưng Kluivert không bao giờ là cậu trai 18 tuổi của Ajax nữa. Sau khi rời Barca, anh nay đây mai đó ở Newcastle, Valencia, PSV và Lille trước khi giải nghệ năm 2008.
Freddy Adu
Có thể còn hơi sớm khi kết luận về sự nghiệp của Adu khi anh mới 24 tuổi, nhưng cầu thủ sinh ở Ghana từng được ca ngợi là tài năng bóng đá lớn nhất mà nước Mỹ từng sản sinh ra. 13 tuổi, anh đã là một gương mặt quen thuộc trên các kênh truyền hình bóng đá ở Mỹ. 14 tuổi, anh có trận đá chính cho DC United. Năm 2007, 19 tuổi, Adu chuyển sang Benfica với ước mơ chinh phục thế giới. Nhưng rồi mọi việc đổ vỡ và hiện anh phải quay về Mỹ, chơi cho CLB khiêm tốn Philadelphia Union.
Duncan Edwards
Trường hợp Duncan Edwards là đáng buồn nhất trong danh sách này. Ở thời của mình, ông được coi là cầu thủ tài năng nhất của bóng đá Anh. Có thể chơi gần như mọi vị trí ở hàng tiền vệ, ngôi sao M.U còn được coi là đội trưởng tương lai của tuyển Anh và có 18 trận đá cho Tam sư khi mới 21 tuổi. Terry Venables từng tuyên bố nếu không có tai nạn máy bay bi thảm ở Munich, chính Edwards, chứ không phải Bobby Moore, mới là người nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới 1966 trong vai trò đội trưởng tuyển Anh. Edwards qua đời năm 1958 và mãi trở thành một huyền thoại cả ở Old Trafford và Wembley.
Theo Bongdaplus
Open all references in tabs: [1 - 4]